Nhiều vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận giải trình trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội ngày 23/9.
Thay đổi nhưng không gây “sốc”
Tại phiên chất vấn, trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc thay đổi phương án thi liệu có gây bất ngờ cho thí sinh và giáo viên và liệu Bộ có còn thay đổi gì nữa không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Tôi xin khẳng định không có gì bất ngờ, mọi việc đều làm có lộ trình, giáo viên và học sinh đón nhận không bất ngờ, thực tế được chuẩn bị từ kỳ thi năm 2014”.
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, không thể chờ đổi mới chương trình, SGK xong rồi mới đổi mới thi cử mà chúng ta phải thay đổi ngay từ phương pháp dạy và học.
Việc thay đổi thi trong năm học 2014, 2015 đều hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Và theo ông Luận trong năm 2016, rồi 2017 điều này sẽ càng rõ hơn nữa.
Tức là năm sau sẽ tiếp tục thay đổi nhưng sẽ thay đổi đúng hướng, theo đúng mục tiêu, lộ trình, chứ không phải theo một cách đột ngột. Việc thay đổi thi này là trong thời kỳ quá độ, không thể chấp nhận cái cũ nữa, nhưng cũng không thể đột ngột quá, mà cần có thời điểm quá độ để học sinh thích ứng. Vì vậy, trong năm sau sẽ tiếp tục có điều chỉnh để tiến dần tới các mục tiêu.
Ông Luận cho rằng, một thay đổi lớn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ nằm ở đề thi. Đó là đề thi sẽ không còn yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng mà sẽ theo hướng đòi hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp. Qua đó, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, từ đó thay đổi trong cách dạy và học.
Bớt nỗi lo các trường tuyển sinh tràn lan
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, các thí sinh dự thi tại các cụm địa phương vẫn có cơ hội được xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ có phương án tuyển sinh riêng. Đại biểu Đặng Mỹ Hương bày tỏ lo ngại khi các trường được xét tuyển như thế thì liệu có đảm bảo đào tạo chất lượng gắn với sử dụng nhân lực, bởi vô hình trung điều này như cho phép các trường đó cơ hội “vét” chỉ tiêu để có thể duy trì vận hành bộ máy.
Giải đáp về điều này, ông Luận cho biết, các trường xét tuyển theo phương án riêng sẽ phải có phương án đảm bảo chất lượng trình Bộ GDĐT. “Chúng ta băn khoăn lo lắng về điều này là đúng. Tuy nhiên thực tế không phải trường nào cũng xét tuyển được đâu.
Không chất lượng người ta cũng chẳng vào, mặc dù chỉ tiêu trường vẫn còn. Sinh viên học ra không có việc làm, tổ chức dạy học không được, thiếu thầy cô giáo,… rồi chúng tôi sẽ công bố những điều kiện đảm bảo chất lượng thì phụ huynh, học sinh sẽ biết và tham khảo.
Không phải là họ vào học đại học bằng được, mà họ cũng phải tính học trường nào ra có việc làm.”, ông Luận phân tích.
Theo ông Luận, nếu nhìn thực tế kỳ thi tuyển sinh năm 2014 và năm 2013 trước đó cho thấy, nhiều trường có chỉ tiêu và tự xét nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu, thậm chí chỉ có vài chục thí sinh vào học.
Vì vậy, kỳ thi này một mặt giao quyền tự chủ cho các trường nhưng mặt khác cũng có quyền tự quyết chuyện vào học ở đâu của các em học sinh. Với tư duy và nhận thức toàn xã hội ngày càng đi lên, ông Luận cho rằng không nên quá lo lắng chuyện các trường có thể “vơ bèo vợt tép” được.
Giảm lượng hồ sơ ảo
Liên quan đến tuyển sinh, trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thành Đạt về việc giải quyết vấn đề hồ sơ ảo khi thí sinh có thể đăng ký nhiều trường, Bộ trưởng Luận cho rằng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật.
“Năm nay, thi xong biết kết quả rồi các thí sinh mới đăng ký chứ không đăng ký trước rồi mới thi như mọi năm, để đảm bảo có thể chọn được học sinh giỏi cho các trường ĐH một cách công bằng.
Bộ đã tính tới việc này và đã thực nghiệm với hội toán học để thiết kế một phần mềm. Phần mềm này đã được thực nghiệm mấy năm tại ĐH Thăng Long và một số trường khác. Sau khi có kết quả thi, từng trường có bao nhiêu chỉ tiêu, các khối ngành ra làm sao sẽ được công bố ở trên đó.
Hằng ngày sẽ cập nhật được bao nhiêu thí sinh đã đăng ký vào trường đó, điểm các thí sinh như thế nào thì để các em cân nhắc, điều chỉnh nguyện vọng”, Bộ trưởng Luận cho biết. Theo ông Luận, việc công khai tối đa tất cả các thông tin có thể giảm được lượng hồ sơ ảo và toàn xã hội có thể giám sát.
Ngoài ra, trước những lo ngại về trường hợp các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, nguy cơ giống như trước đây, thậm chí trước thi “3 chung”, người đứng đầu Bộ GDĐT trấn an: “Đấy là về lý thuyết là có việc đó, nhưng thực tế chưa hẳn.
Như năm 2014, Bộ GDĐT cũng đã khuyến khích các trường có phương án riêng thì rất ít trường thực hiện, gần như là không có, trừ những trường ngoài công lập cho phép tự chủ tuyển sinh riêng nhưng ít trường thực hiện”.
Chưa kể, qua lấy ý kiến xây dựng phương án thi THPT quốc gia, nhiều trường ĐH, CĐ cũng ủng hộ phương án thi của Bộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét